Phản ứng trái chiều về phương án thi quốc gia

Trong khi nhiều nhà quản lý giáo dục ủng hộ giảm môn thi THPT quốc gia nếu học sinh trở lại trường vào tháng 5, số khác lại cho rằng nên bỏ luôn kỳ thi.

Ngày 14/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ hai phương án thi THPT quốc gia. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước 15/6, kỳ thi THPT quốc gia vẫn có thể được tổ chức vào ngày 8-11/8 và Bộ sẽ xem xét giảm môn thi và giảm nhẹ yêu cầu với học sinh. Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép để phù hợp với Luật Giáo dục.

Từng đề xuất chỉ thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), thấy mừng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét giảm môn thi, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhiều giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, thầy Khang chưa đồng tình việc lấy ngày 15/6 làm mốc quan trọng để đưa ra quyết định thi hay không. "Nếu học sinh quay lại trường trước ngày 15/5, sớm hơn một tháng so với phương án của Bộ mới là hợp lý để giảm áp lực cho cả trường phổ thông và đại học", thầy Khang nhận định.

00:00 / 02:42

Một phần ý kiến của thầy Nguyễn Xuân Khang

Hiệu trưởng Khang phân tích, nếu học sinh quay lại trường vào ngày 15/6, tức chỉ còn một tháng trước thời điểm kết thúc năm học, giáo viên và học sinh sẽ rất vất vả. Giáo viên phải củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian nghỉ ở nhà và học online, học qua truyền hình. Thực tế, chất lượng dạy học từ xa không được đảm bảo so với dạy trực tiếp, không tạo ra sự đồng đều giữa học sinh các vùng miền.

Bên cạnh đó, giáo viên còn phải tổ chức kiểm tra định kỳ do học online chỉ kiểm tra thường xuyên. Thầy Khang lấy ví dụ lớp 12 có tới 39 bài kiểm tra định kỳ ở 13 môn học. Nếu làm trong một tháng, tương đương 27 ngày, ngày nào học sinh cũng có bài kiểm tra. "Làm như vậy là rất căng thẳng và phi giáo dục. Chưa kể giáo viên còn phải chấm bài, vào sổ điểm, hoàn tất hồ sơ. Với mốc 15/6, chỉ xét tốt nghiệp THPT thôi cũng căng thẳng chứ chưa kể đến thi", thầy Khang nói.

Ngoài ra, nếu phải đợi tới 15/6 mới có thể xác định bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm nay hay không, các trường đại học, cao đẳng phải chịu áp lực rất lớn trong tuyển sinh. Nếu không tổ chức kỳ thi, giao cho địa phương xét tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thông báo sớm, chậm nhất là ngày 15/5 để các trường chủ động phương án tuyển sinh.

Thầy Nguyễn Xuân Khang trong một sự kiện tại trường Marie Curie. Ảnh: Trang Linh.

Thầy Nguyễn Xuân Khang trong một sự kiện tại trường Marie Curie. Ảnh: Trang Linh.

Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, ủng hộ phương án duy trì kỳ thi THPT quốc gia trong điều kiện học sinh trở lại trường vào đầu tháng 5. Như vậy, học sinh mới đủ thời gian ôn tập và giáo viên, nhà trường kịp chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi, còn ngày 15/6 là "quá cập rập".

Ông Thái giải thích khi trở lại trường, học sinh và giáo viên cần thời gian để lấy lại nhịp độ học tập sau hơn ba tháng nghỉ, không thể học một tháng rồi ôn ba tuần, sau đó thi THPT quốc gia được luôn. Ngoài ra, như mọi năm, các tỉnh thường họp và bố trí hội đồng coi thi trước khi thi ít nhất ba tháng. Nếu tháng 6 đi học trở lại và quyết định duy trì kỳ thi vào tháng 8, việc này quá gấp rút cho các tỉnh trong khâu tổ chức.

Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, học sinh trở lại trường vào tháng 6, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận cho rằng nên chọn phương án xét tốt nghiệp để các đại học chủ động tuyển sinh riêng. "Dù theo phương án nào, tôi nghĩ cũng cần sớm có kết luận trong tháng 5 để học sinh, giáo viên và các đơn vị đào tạo, quản lý đủ thời gian thích nghi và chuẩn bị chu đáo", ông Thái nói.

Thí sinh TP Biên Hòa, Đồng Nai thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Phước Tuấn.

Thí sinh TP Biên Hòa, Đồng Nai thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Phước Tuấn.

Nghiêng về phương án xét tốt nghiệp ngay cả khi học sinh có thể đi học trở lại vào tháng 5, thầy Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Bảo Lộc, Lâm Đồng), cho rằng cả hai hình thức thi và xét đều có ưu, nhược điểm riêng, việc lựa chọn phương án nào cần căn cứ vào các yếu tố thời gian chuẩn bị, kinh phí, áp lực học sinh phải đối mặt.

"Ai cũng biết kỳ thi THPT quốc gia luôn tạo áp lực rất lớn không chỉ cho các em mà còn gia đình, giáo viên. Năm nay, học sinh không đến trường đã ba tháng, liệu một kỳ thi cạnh tranh khốc liệt, khiến các em học ngày học đêm có cần thiết lặp lại trong bối cảnh hiện nay không?", thầy Chương đặt câu hỏi.

Theo hiệu trưởng này, các trường phổ thông có thể sử dụng kết quả học kỳ I, khoảng thời gian dịch bệnh chưa bùng phát, để làm căn cứ xét tốt nghiệp, còn đại học xét học bạ của thí sinh trong 5 học kỳ đã qua. Những trường có tiềm lực kinh tế, muốn tuyển được nhiều thí sinh chất lượng, đáp ứng nhiều yêu cầu đặc thù có thể tổ chức thêm một kỳ thi riêng.

"5 học kỳ là đủ căn cứ để đánh giá học lực và sự phát triển của một học sinh. Các đại học cũng nên mở đầu vào, đào tạo nghiêm túc và siết chặt đầu ra để có các thế hệ sinh viên ra trường chất lượng", thầy Chương nói.

Nếu chọn phương án xét tốt nghiệp THPT, thầy Chương đề xuất các trường phổ thông tổ chức một bài kiểm tra cho những học sinh trượt tốt nghiệp năm ngoái, còn hạnh kiểm thì địa phương sẽ đánh giá.

Trước ý kiến cho rằng nếu bỏ thi học sinh sẽ không học nữa, thầy Chương nhận định việc thi để duy trì động lực học cho các em chỉ đúng ở một khía cạnh. Nếu các trường, giáo viên biết thúc đẩy đúng cách thông qua các bài giảng hấp dẫn, học sinh vẫn có động lực học bình thường.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Lê Thị Ngọc Nhẫn, Viện phó Khoa học Giáo dục Nam Việt, cho rằng ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, phương án thi THPT quốc gia được áp dụng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không nên tổ chức. Bởi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phải huy động nhân sự rất lớn, sự giao thoa, tiếp xúc đông người. Điều này đi ngược lại với các biện pháp phòng chống Covid-19, nhất là khi ở các nước, dịch vẫn phức tạp, chưa thể dập tắt ít nhất là đến cuối năm. Do đó, kỳ thi này nên giao về cho tỉnh, thành tổ chức.      

Việc địa phương tổ chức thi cũng tạo thuận lợi và công bằng khi các em đã nghỉ quá lâu để tránh dịch. Tại một số tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP HCM, việc dạy online trong thời gian qua thuận lợi do cả trường lẫn học sinh có điều kiện vật chất tốt nhưng ở những vùng khó khăn, việc học rất hạn chế. "Hơn ai hết, cấp tỉnh sẽ biết học sinh của mình đã được học gì, học tới đâu để có thể tổ chức thi cử cho phù hợp", bà Nhẫn nói.

Chuyên gia này cũng đề xuất từ bây giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị phương án xét tốt nghiệp với điều kiện, cách thức, quy chế cụ thể; tham khảo ý kiến của các Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà quản lý và chuyên gia giáo dục.

Ngoài ra, theo Luật Giáo dục, việc học sinh muốn có bằng tốt nghiệp THPT vẫn phải tham gia một kỳ thi. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần chuẩn bị phương án pháp lý cho sự thay đổi này. "Trong tình hình dịch bệnh, quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe cho học sinh và xã hội, đừng nên quá đặt nặng, phức tạp việc thi cử. Thực tế nhiều nước cũng trao quyền xét tốt nghiệp cho địa phương, không tổ chức kỳ thi toàn quốc như nước ta", bà Nhẫn nêu quan điểm.

Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Khoa Luật, trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM), cho rằng Luật Giáo dục hiện nay và Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1/7 đều quy định học sinh học hết chương trình THPT phải dự thi, đạt yêu cầu mới được cấp bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, một điểm mở ở cả hai luật này là không nói rõ kỳ thi ở cấp quốc gia hay cấp tỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo với đề xuất này đã loại trừ việc giao cho các địa phương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. 

Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Quang cũng loại trừ việc không thi mà xét tốt nghiệp bởi điều này sẽ trái luật. Do đó, phương án hai "không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT", Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép để phù hợp với Luật Giáo dục - là không hợp lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có quyền sửa luật mà chỉ giải thích luật. Trong khi đó, luật đã quy định cứng là phải thực thi. Do đó, muốn sử dụng phương án xét tốt nghiệp trong thời gian tới (thời điểm đã áp dụng Luật Giáo dục 2019) thì ngay từ bây giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa luật, bằng cách bổ sung vào khoản 3 điều 34 Luật Giáo dục 2019 hình thức xét công nhận để cấp bằng tốt nghiệp THPT bên cạnh hình thức thi THPT quốc gia.

Liên kết website